Bạn có biết, nếu bạn làm việc cho một công ty quá 2 năm, tổng thu nhập trong 10 năm sắp tới của bạn sẽ bị giảm 50%. Tưởng chừng số năm gắn bó cùng doanh nghiệp tỷ lệ thuận với mức lương và đãi ngộ, nhưng thực tế cho thấy, mức lương của những nhân sự nhảy việc đúng lúc lại nhỉnh hơn những người gắn bó lâu dài. Vì sao lại tồn tại nghịch lý này?
Lời giải cho vấn đề nhảy việc
Kế hoạch tăng lương cho bạn trong vòng vài năm tới đã được vạch sẵn. Dựa trên mức lương cơ bản, công ty cứ theo kế hoạch để triển khai việc tăng lương. Ở tâm thế là nhân sự, bạn cảm thấy mừng rỡ khi tìm được một công ty trả lương đầy đủ và có chính sách tăng lương rõ ràng. Trên thực tế, đây chỉ là một quyền lợi mà công ty nào cũng đã được tính toán bài bản từ trước. Cho dù được cấp trên trọng dụng, quyền đề xuất tăng lương của họ cũng chỉ ở mức giới hạn. Trừ khi bạn là nhân sự cấp cao, may ra chính sách tăng lương sẽ được điều chỉnh khác đi.
Đối với nhóm nhân sự nhảy việc, họ thường có xu hướng đầu quân cho các công ty trả lương trung bình nhỉnh hơn chỗ làm cũ. Nhiều doanh nghiệp không ngại chi trả khoản tiền cao hơn, miễn là họ tuyển dụng được nhân tài.
Chuyện thăng tiến cũng không hề ngoại lệ. Tương tự với kế hoạch tăng lương, nhiều doanh nghiệp cũng đã vẽ ra kế hoạch thăng tiến. Thay vì xếp hàng chờ thăng tiến ở công ty cũ, nhiều người chọn cho mình lối đi riêng bằng cách ứng tuyển vị trí cao hơn ở công ty khác. Nếu họ đáp ứng đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm, khả năng được tuyển cao hơn khả năng chờ thăng tiến rất nhiều.
Vậy có nên nhảy việc hay không?
Nhảy việc là chủ đề khá nhạy cảm với nhiều nhà tuyển dụng. Đôi khi một ứng viên bị từ chối chỉ vì CV của họ có quá nhiều kinh nghiệm làm việc ở nhiều công ty khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm này ngày càng xưa cũ và nên được thay đổi. Trung thành 1-3 năm đã là khoảng thời gian khá dài đối với nhiều người. Đặc biệt là khi họ có khả năng học hỏi và phát triển nhanh, chuyện rời bỏ vị trí hiện tại để chinh phục hành trình mới là hoàn toàn bình thường.
Đó là nói ở góc độ cống hiến. Vậy có nên nhảy việc vì muốn tăng lương hay không? Và khi nào là thời điểm tốt nhất để thay đổi công việc?
Trong một số trường hợp, tăng lương đồng nghĩa với tăng trách nhiệm và công việc. Vì thế, nếu bạn cảm thấy cần thời gian để trau dồi kỹ năng cho bản thân, hoặc chưa thể đối mặt với nhiều sự thay đổi mới, bạn chưa sẵn sàng nhảy việc.
Nhảy việc khi nào là tốt nhất?
Công việc hằng ngày không còn tạo ra giá trị
Nhiệm vụ ngày này qua ngày khác không có nhiều thay đổi. Bạn không tạo ra được giá trị mới cho bản thân, hay cho công ty. Nên nhớ, một môi trường làm việc tốt phải là nơi bạn có thể phát triển bản thân toàn diện nhất. Nếu dần cảm thấy mình không còn tạo ra giá trị, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang dần chán những gì mình làm.
Cuộc sống cá nhân bị chi phối bởi công việc
Hết mình vì công việc là thái độ rất tốt. Tuy nhiên, đã đến lúc dừng lại nếu bạn cảm thấy công việc ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống cá nhân của bạn. Hãy học cách cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc, nếu việc này trở nên quá khó, bạn nên suy nghĩ lại về vị trí hiện tại của bản thân.
Không còn thử thách trong công việc
Bên cạnh duy trì cuộc sống, công việc còn là công cụ để bạn nâng cấp bản thân. Khi những việc hàng ngày trở nên dễ dàng, thiếu hương vị cay đắng của thứ gọi là “thử thách”, lúc này bạn nên đề xuất được thăng tiến. Nếu đề xuất không thành công, hãy tính đến chuyện nhảy việc nhé!
Tóm lại, nhảy việc đôi khi lại tốt nếu bạn biết nắm bắt đúng thời điểm và cơ hội. Quan trọng hơn hết, không phải cứ thích là nhảy, bạn cần biết rõ thế mạnh về kiến thức và kỹ năng của bản thân, để chinh phục nhà tuyển dụng.