Trang chủ » Định hướng nghề nghiệp cho học sinh có thực sự là bài toán khó?

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh có thực sự là bài toán khó?

  • giahan 

Các chuyên gia chỉ ra rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho con cái nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Vì vậy, những bậc phụ huynh có tâm lý đợi đến khi con học cuối cấp thì mới định hướng nghề nghiệp cho con thì hãy tham khảo thật kỹ lưỡng các ý kiến của chuyên gia để có những quyết định thích hợp nhất.

Cần phân luồng học sinh từ sớm

Học sinh của khối 12 khi đến thời điểm nước rút của học kỳ 2 thì các em bắt đầu có sự cân nhắc để đưa ra quyết định chọn trường, chọn nghề thông qua hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào các trường Đại học, Cao đẳng.

Ảnh: Giải thích, phân ban phù hợp cho cha mẹ học sinh ngay từ đầu lớp 10

Do vậy, để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn, phù hợp với bản thân thì không phải em nào cũng làm được. Sợi dây liên kết giữa khả năng của bản thân với nhu cầu xã hội cần phải được định hình rõ. Chính vì vậy, công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh thể hiện qua khâu định hướng phân luồng từ khi các em mới bắt đầu tuyển sinh vào lớp 10, đó là việc phân ban. Các thầy cô sẽ phân tích, giải đáp, đối thoại để phụ huynh và học sinh hiểu rõ về lựa chọn Phân ban A hay D cho phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi em.

Định hướng nghề cần phải dựa trên số liệu chuẩn

Là một chuyên gia theo dõi mảng giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, có rất nhiều điểm cần lưu ý khi chúng ta lựa chọn ngành nghề cho mình, song các em cần cân nhắc hai yếu tố chính.

  • Thứ nhất, các em cần lựa chọn ngành xuất phát từ việc cân nhắc nghề nghiệp theo cá tính, tính cách và giá trị mà mình mong muốn. Vì nghề đi theo mình suốt cuộc đời nếu không phù hợp thì mình sẽ không cảm thấy hạnh phúc khi làm việc và cũng rất khó để thành công, thăng tiến bền vững trong sự nghiệp.
  • Thứ hai, khi chúng ta lựa chọn trường, hay nghề thì các em cần phải mở rộng diện lựa chọn. Việc đầu tiên là các em nên lựa chọn lĩnh vực chuẩn. Từ lựa chọn lĩnh vực thì mới loại trừ được những lĩnh vực mà chúng ta thực sự không có năng lực hay không hiểu biết về nó. Trên cơ sở lĩnh vực, tiếp đến chúng ta chọn ngành, sau đó chọn nghề và cuối cùng là chọn trường.
Ảnh: PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Khi chọn trường, cần phải quan tâm đến các yếu tố như: Uy tín của trường, cơ sở vật chất, học phí, điều kiện học tập tốt xem có phù hợp với mức điểm và năng lực không thì lúc đó ta mới lựa chọn.

Thị trường công việc sẽ thay đổi rất nhanh, có rất nhiều nghề mất đi và những nghề mới chưa có trong hình dung của chúng ta ra đời. Việc định hướng nghề nghiệp cho các em sẽ không được phép cảm tính, dựa trên quan điểm hoặc nhìn nhận của một cá nhân nào mà phải dựa trên số liệu.

  • Đó là số liệu khách quan về chỉ số thông minh, trí tuệ cảm xúc, năng lực tư duy phản biện, động cơ đạt thành tích cao, khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp, thiên hướng nghề nghiệp, xu hướng nhân cách cá nhân.
  • Đó là những số liệu phân tích khoa học về nhu cầu nghề nghiệp của xã hội theo thời gian thực; mô tả yêu cầu vị trí công việc liên quan đến trình độ nhận thức, kỹ năng, thái độ và các năng lực chuyên biệt khác.
  • Đó là phân tích về mức thu nhập trung bình tương ứng với từng nghề nghiệp và vị trí việc làm.

Vấn đề hướng nghiệp cho học sinh quả thực là một bài toán khó của ngành giáo dục, của cha mẹ học sinh và của cả cộng động. Vì vậy, những phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực này cần phải được nêu ra, thảo luận để tìm được giải pháp tốt nhất giúp các bạn có định hướng đúng đắn cho ngành nghề mình sẽ theo đuổi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *