Trang chủ » Ứng phó khi sếp giao việc khó

Ứng phó khi sếp giao việc khó

  • Thuỳ Dung 

Khi sếp giao việc khó, vượt quá khả năng của bản thân thì bạn sẽ ứng phó như thế nào? Đừng vội vàng đồng ý ngay lập tức để lấy lòng sếp, cũng đừng nhanh chóng bác bỏ vì nghĩ rằng mình không thể làm được. Hãy cho mình một ít thời gian để cân nhắc lại khả năng, điều kiện và số lượng công việc hiện tại rồi hãy quyết định. Sau đây là những gợi ý giúp bạn giải quyết vấn đề nan giải này, hãy cùng tìm hiểu ngay nhé.

>> Phương pháp làm việc hiệu quả

Khi bạn cảm thấy công việc mình có thể đảm đương được

Sau khi xem xét lượng công việc hiện tại, nếu thấy bản thân có thể hoàn thành được công việc sếp giao thì bạn nên:

Chuẩn bị kế hoạch cụ thể

Đây là điều đầu tiên bạn nên nghĩ đến nếu quyết định nhận dự án. Lúc này, bạn phải nhìn được quy mô và những việc phải triển khai xuyên suốt cho đến khi dự án hoàn thành. Nghĩa là, bạn phải lên được kế hoạch tương đối cụ thể, từ hạng mục công việc, thời hạn hoàn thành, nhân lực, kỹ thuật, tư vấn, dự trù kinh phí, thời hạn hoàn thành… Cố gắng dự đoán những vướng mắc có thể gặp phải và các giải pháp tiềm năng. Bởi nếu không lường trước mọi việc, bạn dễ mắc phải sai lầm và kinh phí sẽ đội lên một cách chóng mặt hoặc công việc đổ bể vì không kịp thời hạn.

Chuẩn bị kế hoạch cụ thể để hoàn thành tốt nhất công việc được giao.

Thương lượng về nhân lực và tài chính

Để dự án thực hiện trôi chảy trong khung thời gian hợp lý, hãy chắc chắn về kế hoạch và hình dung một bức tranh toàn cảnh về công việc. Lúc này, bạn nên lên dự trù kinh phí và nguồn nhân lực cần thiết để trình sếp.

Nhưng nên nhớ, bản dự trù bao giờ cũng có cả phương án dự phòng, giải pháp tháo gỡ khó khăn nếu trường hợp xấu xảy ra. Tất nhiên, đa phần các công ty đều thắt chặt tài chính và rất khó để họ đồng ý cả kế hoạch dự phòng của bạn. Tuy nhiên, lúc này, bạn cần có sự thương lượng kịp thời, hãy lập những bản powerpoint để phân tích cho ban giám đốc hiểu rõ kế hoạch bạn đưa ra là hợp lý. Có như thế, những khoản đề xuất của bạn mới dễ được thông qua và trong tương lai, bạn không phải đau đầu vì lắm việc phát sinh nữa.

Tất nhiên, không phải cứ làm theo những điểm này là bạn có thể thành công, nhưng ít ra, nó cũng giúp bạn có cái nhìn bao quát và hạn chế rủi ro một cách tối đa, để có thể yên tâm bắt tay vào thực hiện.

Khi bạn cảm thấy công việc vượt quá khả năng của mình

Hãy can đảm học các từ chối, bởi nếu bạn cố gắng ôm quá nhiều việc sẽ khiến bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và bị stress do lượng công việc quá tải dẫn đến hiệu quả công việc chỉ dừng ở mức trung bình. Đồng thời cũng có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ của công ty.

Đừng vội nói “không” khi sếp giao việc cho bạn.

Vậy sau khi đã cân nhắc trước sau mà bạn vẫn cảm thấy bản không hoàn thành tốt công việc khó khăn mà sếp giao được thì nên từ chối như thế nào để không mất lòng lãnh đạo?

Hãy đưa ra lý do hợp lý

Những lý do chung chung, không rõ ràng hoặc không hợp lý sẽ phản tác dụng, làm sếp cho rằng bạn đang trốn tránh nhiệm vụ. Thay vào đó, hãy trình bày rõ ràng những lý do hợp lý để sếp hiểu vì sao bạn không thể đảm nhận công việc hay yêu cầu của sếp.

Chọn đúng thời điểm để từ chối

Hãy chọn đúng thời điểm, lúc sếp vui vẻ, có thời gian rảnh rỗi hoặc khi bạn có cơ hội nói chuyện riêng với sếp. Chọn đúng thời điểm “vàng” bạn sẽ dễ dàng thành công trong việc giải trình lý do từ chối yêu cầu của sếp.

Từ chối một cách chân thành

Cần đưa ra lời từ chối để sếp nhận thấy rằng bạn rất muốn hỗ trợ họ nhưng “lực bất tòng tâm”. Ví dụ như:

Tôi thực sự mong muốn đảm nhận công việc này, nhưng thực tế bây giờ thì chưa thể kham nổi. Hiện tại tôi đang triển khai những công việc, dự án… của công ty, nếu phụ trách thêm công việc này sẽ làm giảm thời gian để tôi hoàn thành những dự án cũ, ảnh hưởng đến tiến độ của công ty. Hy vọng thời gian tới, tôi có đủ thời gian, thực lực để đảm đương những dự án tương tự thế này”.

Từ chối là một kỹ năng hết sức cần thiết trong cuộc sống và công việc. Biết nói lời từ chối một cách khéo léo chẳng những không khiến mối quan hệ giữa bạn và sếp rạn nứt mà ngược lại, sếp của bạn sẽ hiểu và thông cảm hơn cho công việc của bạn.

Bên cạnh đó bạn sẽ không bị lãng phí thời gian để có thể tập trung hơn trong công việc chuyên môn hoặc đơn giản hơn là có thêm “khoảng thở” cần thiết khi làm việc.

Hãy cân nhắc trước khi nhận việc để không bị stress vì quá tải

Mong rằng với những bí quyết trên, bạn sẽ biết được cách ứng phó khi sếp giao việc khó mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với họ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *