Giữ chân nhân sự tài năng trở thành một trong những chiến lược quan trọng nhất đối với mỗi doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tuyển dụng nhân lực mới sẽ khiến công ty phải bỏ ra gấp từ 1,5 tới 2 lần tổng số tiền mà họ có thể dùng để chi trả cho chính nhân viên đó hàng năm.
Nhưng làm sao để chúng ta có thể ngăn chặn sự “chảy máu chất xám” này? Chúng tôi đã thống kê và tổng hợp 9 chiến lược có thể giúp níu chân nguồn tài nguyên quý giá nhất mà doanh nghiệp bạn đang có. Nào, hãy cùng khám phá.
>> Quản lý rủi ro doanh nghiệp
1. Tìm hiểu lý do nhân sự tài năng ra đi
Khi có sự chia ly, bạn nhất định phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Có phải doanh nghiệp trả lương không công bằng? Có phải đối thủ đang tìm cách bòn rút nguồn nhân lực của bạn? Hay doanh nghiệp của bạn không đủ khả năng giúp nhân tài phát triển sự nghiệp? Nếu bạn muốn biết sự thật, chỉ còn cách tìm lời giải từ những nhân lực còn trụ lại trong công ty.
Sau khi tìm ra được câu trả lời, bạn cần phải giải quyết vấn đề. Các bản khảo sát, review đánh giá của nhân viên về môi trường làm việc của doanh nghiệp, sự hài lòng trong công việc sẽ gợi ý giúp bạn những dấu hiệu ban đầu của “những cuộc chia ly”, cùng cách để ngăn chặn những điều xấu xảy ra ngay từ khi nó hẵng còn đang nhen nhóm.
2. Đừng đánh giá thấp giai đoạn đầu dành cho người mới
Nhân viên, dù là người bình thường hay nhân tài xuất chúng, đều phải cần thời gian để làm quen với văn hóa và môi trường làm việc trong doanh nghiệp mới. Vì thế, với tư cách là một nhà quản trị cấp cao, hơn ai hết bạn cần phải sát sườn với người nhân viên mới trong giai đoạn này.
Dù là thiệp chào mừng, một món quà nhỏ hay là gì đi chăng nữa, bạn cũng cần phải khiến người nhân viên mới cảm thấy mình được chào đón trong môi trường làm việc này. Có vậy, họ mới cảm thấy hòa đồng và sớm bắt nhịp với văn hóa của công ty.
Có thể những phần quà nhỏ nhưng ý nghĩa lại là động lực níu chân họ lại trước cả tá những lời chào mời bên ngoài kia.
3. Khiến người nhân viên nhận ra ý nghĩa trong công việc của họ
Có tới 93% nhân viên trong các doanh nghiệp lớn cho rằng họ thấy công việc mình làm không có ý nghĩa. Chẳng có gì quá khó hiểu khi họ sớm dừng cuộc chơi và đi theo tiếng gọi từ những môi trường làm việc khác.
Khi nhân viên không nhìn thấy những nỗ lực của mình có tác động như thế nào đối với doanh nghiệp, họ cảm thấy công việc của mình thật vô nghĩa, và cần gì phải cố gắng khi tương lai phía trước quá mù mịt?
Trong trường hợp này, bạn hãy thử xích người nhân viên lại gần với mình bằng quy trình OKR của Google (Quản trị theo mục tiêu và kết quả Then chốt, tức định lượng hóa mục tiêu dành cho nhân viên), hoặc thử sử dụng những phần mềm quản trị mục tiêu nhân lực. Chúng có thể giúp ích nhiều cho bạn trong giai đoạn này.
4. Đừng quên khích lệ nhân viên của mình bằng những lời khen
Nhiều nhà quản trị cấp cao quên rằng: Chính những lời khen có thể đem lại sự tin tưởng và cảm giác hưng phấn cho người nhân viên dưới cấp. Ai mà không thích những lời khen?
Một môi trường làm việc quá căng thẳng chỉ thúc đẩy nhân tài sớm thoát khỏi “chốn địa ngục” đó và tìm nơi mà họ được khen ngợi và đối xử công bằng hơn.
5. Chia sẻ tầm nhìn chung
Người nhân viên chỉ thực sự gắn kết, trung thành và nỗ lực khi họ biết mình đang làm gì. Vì vậy, với tư cách là người chủ, bạn cần có trách nhiệm chia sẻ tầm nhìn chung của doanh nghiệp đến toàn thể người lao động đang làm việc tại công ty.
Đây cũng là cách mà Zingerman’s – một doanh nghiệp nhỏ từ Michigan, Hoa Kỳ áp dụng để giữ nhân tài tiếp tục gắn bó với mình.
6. Xây dựng chế độ lương thưởng rõ ràng
Đúng là lương không phải là yếu tố quan trọng nhất đối với nhân viên, nhưng nói nó không quan trọng thì đó là lời nói dối.
Điều mà người nhân viên cần, đó chính là chế độ lương thưởng minh bạch, công bằng và đặc biệt, phải cạnh tranh so với những đối thủ cạnh tranh ngoài kia.
Vì thế, nếu doanh nghiệp của bạn chưa có chính sách trả lương thưởng rõ ràng thì giờ là lúc để bắt tay xây dựng chúng rồi đấy.
7. Tạo dựng cơ hội học tập và phát triển sự nghiệp
Một trong những lý do khiến việc giữ chân nhân sự của các doanh nghiệp gặp khó khăn đó chính là cơ hội được phát triển sự nghiệp và các kỹ năng công việc của người lao động. Tính tới năm 2018, có tới 61% ứng viên khẳng định họ tìm tới các doanh nghiệp để sự nghiệp của họ được thăng tiến.
Đừng quá lo lắng nếu doanh nghiệp của bạn không đủ điều kiện để tổ chức các khóa đào tạo nhân lực, bạn chỉ cần tạo một môi trường làm việc cạnh tranh, nơi họ học hỏi được nhiều điều là đủ để níu kéo nhân tài gắn bó lâu dài với công ty.
8. Liên tục thay đổi để thích nghi với những xu hướng mới
Dù đây không phải là yếu tố bạn có thể chủ động nắm bắt, nhưng thật không may, nó lại tác động tới sự gắn kết của nhân viên với doanh nghiệp của bạn. Thế giới thay đổi từng ngày, nếu bạn không chủ động thích nghi với nó, bạn sẽ sớm bị bỏ lại phía sau.
Những xu hướng bạn nên cân nhắc làm quen bao gồm: Thời gian làm việc linh hoạt, freelancer, luân chuyển vị trí nhân lực,…
9. Chúc họ may mắn
Dù doanh nghiệp của bạn có phải là nơi làm việc tốt nhất quả đất này đi chăng nữa, thật khó tin nếu bạn hy vọng có thể giữ nhân tài gắn bó suốt đời với mình. Trên thực tế, người lao động chỉ gắn bó trung bình 4,2 năm tại mỗi một doanh nghiệp mà họ từng làm việc.
Nếu có một cơ hội mới tốt hơn cho nhân viên của mình, hãy cảm thấy mừng cho họ. Sau đó, hãy ngồi lại và tìm hiểu xem tại sao bạn không thể đem đến niềm hạnh phúc cho người nhân viên của mình.
Tựu trung, điều bạn cần quan tâm lúc này là: Tìm hiểu xem nguyên nhân khiến nhân tài ra đi là gì? Xem xét quá trình nhập môn của nhân viên mới, quy trình xét lương thưởng, chia sẻ tầm nhìn chung, tạo dựng cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp và đặc biệt, luôn biến đổi và thích nghi với những xu hướng mới sẽ giúp bạn giữ chân nhân sự tài năng.